Bạn thắc mắc có nên xây dựng website bán hàng bằng WordPress không? Dưới đây là phân tích về ưu nhược điểm của WordPress dưới góc độ kinh doanh.
WordPress là nền tảng thiết kế website phổ biến nhất thế giới và cũng thường được khuyên dùng bởi các đơn vị thiết kế web, nhưng rất nhiều khách hàng vẫn còn băn khoăn liệu nó có thật sự tốt cho việc bán hàng hay không.
Trong bài viết này, tôi sẽ làm rõ các ưu nhược điểm khi dùng WordPress để thiết kế một website bán hàng.
Vì sao nhiều người sử dụng WordPress cho mục đích bán hàng?
Theo thống kê năm 2022 của WP Beginner, WordPress là nền tảng website phổ biến nhất thế giới, chiếm tỷ lệ hơn 43% tổng số lượng trang web trên toàn thế giới, trong đó, hơn 65% website WordPress phục vụ cho mục đích thương mại điện tử.
Sự phổ biến của nền tảng này là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều người tin rằng nó phù hợp để xây dựng website bán hàng, ngoài ra, còn có các lý do sau:
- Sự tự do: website của bạn do chính bạn quản lý, và không có bất kỳ một bên thứ ba nào có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành của website của bạn.
- Cộng đồng hỗ trợ lớn: Rất nhiều người sử dụng WordPress là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, và họ cũng có những giải pháp phù hợp cho các vấn đề mà bạn gặp phải trong quá trình sử dụng website.
- Khả năng ứng dụng rộng rãi: WordPress được hỗ trợ bởi rất nhiều nền tảng thanh toán trực tuyến, nhiều hơn bất kỳ nền tảng website nào khác. Do đó, bất kể bạn đang kinh doanh tại địa phương hay kinh doanh quốc tế, WordPress đều có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán của bạn.
- Tăng trưởng dễ dàng hơn: WordPress sở hữu kho plugin khổng lồ với vô số các tiện ích miễn phí, đặc biệt là các plugin SEO và Content Writing, đáp ứng hầu hết các nhu cầu Marketing của bạn. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh của bạn sẽ diễn ra thuận lợi hơn so với việc sử dụng các nền tảng khác.
Bây giờ, trước khi quyết định có nên thiết kế website bán hàng bằng WordPress hay không, hãy cùng phân tích các ưu nhược điểm của nền tảng này đối với khả năng bán hàng online nhé.
Ưu điểm của việc bán hàng trên website WordPress
Miễn phí sử dụng
Là nền tảng mã nguồn mở, WordPress hoàn toàn miễn phí, do đó bạn có thể tải, cài đặt, chỉnh sửa và sử dụng nó theo bất kỳ hình thức nào mà bạn muốn.
Đương nhiên, bạn vẫn phải thanh toán phí mua hosting và domain, và trong một số trường hợp, cả phí nâng cấp giao diện và plugin để được sử dụng nhiều tính năng cao cấp hơn, tuy nhiên, nếu như biết cách sử dụng, bạn có thể loại bỏ hoàn toàn chi phí nâng cấp giao diện và plugin mà vẫn sử dụng được toàn bộ các tiện ích cao cấp của chúng.
Không thu phí giao dịch
Không giống như hầu hết các nền tảng thương mại điện tử khác, WordPress không thu bất kỳ chi phí giao dịch nào.
Những khoản phí duy nhất mà bạn cần thanh toán là chi phí sử dụng dịch vụ thanh toán của bên thứ ba (VD: phí chuyển khoản ngân hàng, phí thanh toán Momo, phí giao dịch Paypal…).
Được hỗ trợ bởi hàng ngàn plugin
WordPress hiện có hơn 59 ngàn plugin miễn phí, và bạn có thể cài đặt chúng lên website để bổ sung thêm một vài tính năng mà mình đang cần, chẳng hạn như popup đặt hàng nhanh hay tùy chỉnh lại phần mô tả ngắn của sản phẩm.
Ngoài ra, nếu tìm thấy một plugin hoạt động tốt hơn, bạn cũng sẽ dễ dàng tháo plugin cũ chỉ bằng một vài lượt nhấp mà hầu như không gặp bất kỳ trở ngại gì.
Có hàng chục ngàn giao diện để lựa chọn
WordPress cung cấp cho bạn hàng chục ngàn mẫu theme đã thiết kế sẵn để bạn dễ dàng tối ưu hóa giao diện website bán hàng của mình.
Đặc biệt, một số theme như Astra, Flatsome và các công cụ hỗ trợ tạo website theo dạng kéo thả như Elementor cũng có thể nhanh chóng tùy biến thành hàng chục mẫu giao diện khác nhau chỉ với một vài lượt click, ngay cả khi bạn chẳng biết gì về ngôn ngữ lập trình.
Không lệ thuộc vào bên thứ ba
Với WordPress, bạn kiểm soát hoàn toàn chi phí vận hành website, từ việc lựa chọn hosting, sử dụng các tiện ích trả phí, và cả các công cụ Marketing.
Đặc biệt, không giống với các nền tảng bán hàng trực tuyến như Lazada, Tiki, Shopee hay Haravan vốn có điều khoản cho phép xóa dữ liệu website vào bất kỳ lúc nào, bạn sở hữu hoàn toàn website bán hàng WordPress của mình và không lo mất dữ liệu khách hàng hoặc giao dịch bị gián đoạn.
Ngay cả khi hosting và tên miền hết hạn, bạn vẫn có thể di chuyển website sang hosting và tên miền mới để tiếp tục vận hành hệ thống bán hàng của mình.
Nhược điểm của website bán hàng WordPress
Bắt đầu với một số kiến thức cơ bản
Giống như khi mới bắt đầu sử dụng bất kỳ một ứng dụng mới, bạn phải học một số kiến thức cơ bản về WordPress trước khi có thể sử dụng nó thành thạo.
Rất may, Wordpres rất dễ học (thậm chí là không cần học) bởi vì các thao tác cài đặt website lên hosting sẽ được lược bỏ nếu bạn sử dụng các hosting WordPress, và bản thân WordPress cũng hỗ trợ tiếng Việt.
Nhờ đó, ngay cả khi bạn không rành về lập trình, bạn vẫn có thể dễ dàng tạo ra một website bán hàng chạy trên nền tảng WordPress.
Chủ động nâng cấp phần mềm và sao lưu dữ liệu
Thông thường, các giao diện, plugin và mã nguồn lõi của WordPress sẽ được cập nhật theo định kỳ, và bạn là người chịu trách nhiệm cài đặt các bản cập nhật này để đảm bảo website của mình luôn được giữ an toàn trước các nguy cơ bảo mật và nhận được thêm nhiều tính năng mới.
Tương tự, bạn cũng là người tự thực hiện khâu sao lưu dữ liệu để tránh bị mất mát dữ liệu khi hệ thống website gặp sự cố trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, nếu thuê dịch vụ thiết kế website WordPress của Fyro Design, chúng tôi sẽ thay bạn thực hiện tất cả những công việc phiền phức này để bạn tập trung cho công việc kinh doanh chính của mình.
Tăng chi phí khi mở rộng kinh doanh
Khi mới bắt đầu bán hàng online, chúng tôi luôn khuyến khích bạn sử dụng các gói hosting cơ bản giá rẻ để tiết kiệm chi phí.
Theo thời gian, khi quy mô bán hàng của bạn tăng lên, bạn sẽ cần nhiều tài nguyên hơn để vận hành website của mình, và đó là lúc chi phí cho hosting tăng lên.
Mặc dù vậy, mặt tích cực ở đây là doanh số bán hàng của bạn đã dư sức để trang trải cho các chi phí vận hành website, do đó tổng chi phí vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc bạn nạp tiền cho các nền tảng bán hàng khác.
Tự chịu trách nhiệm về mặt bảo mật
Giống như việc cập nhật plugin hay sao lưu dữ liệu, bạn cũng tự chịu trách nhiệm cho vấn đề bảo mật website WordPress.
Tuy nhiên, may mắn là các đơn vị cung cấp dịch vụ hosting ngày nay đều chủ động hỗ trợ bạn chống lại phần lớn các cuộc tấn công nguy hiểm như DDOS hay xâm nhập tài khoản trái phép.
Do đó, chỉ cần cài đặt một số plugin hỗ trợ chặn spam và thực hiện một số thao tác đơn giản để thiết lập rào cản bảo mật website là bạn đã có giải pháp bảo vệ website WordPress của mình gần như toàn diện.
Làm thế nào để bắt đầu bán hàng online với website WordPress?
Có hai cách giúp bạn sở hữu một website bán hàng bằng WordPress, đó là thuê dịch vụ thiết kế website WordPress hoặc tự mình xây dựng nên.
Nếu bạn muốn tự mình làm tất cả mọi thứ, hãy lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ hosting và tên miền tại Việt Nam và thực hiện các bước theo hướng dẫn tự tạo website bán hàng bằng WordPress của tôi.
Cần hỗ trợ? Liên hệ chúng tôi qua Zalo 0352.940.941 để được hỗ trợ cài đặt website WordPress miễn phí nhé.
Thông thường, tổng chi phí mua domain và hosting cơ bản cho website bán hàng mới tạo rơi vào khoảng 500 – 700 ngàn đồng/năm, một con số khá dễ chịu đối với hầu hết những người mới bắt đầu.
Trong trường hợp thuê dịch vụ thiết kế website của Fyro Design, bạn có thể tiết kiệm được khoản tiền này trong vòng 1 năm, đồng thời không tốn thời gian và công sức cho việc xây dựng website sao cho đẹp và bắt mắt.
Tuy nhiên, dù xây dựng website bằng cách nào, điều quan trọng là sau khi website được hoàn thiện, bạn phải có kế hoạch chu toàn để vận hành website một cách trơn tru và tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu, thay vì trông chờ vào việc khách hàng sẽ tự đến và mua sản phẩm trên website của bạn (điều này không bao giờ xảy ra đâu).
Tóm lại
Như vậy, bạn đã tìm hiểu qua ưu nhược điểm của một website bán hàng trên nền tảng WordPress, và tôi chắc rằng bạn cũng đã có những nhận định cho riêng mình về việc có nên sử dụng WordPress để bán hàng hay không.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận dưới bài viết này nhé.